Thanh nhạc

Phương pháp thực hành hát

PHẦN 1: HƠI THỞ TRONG CA HÁT


Âm thanh xuất hiện từ khe thanh quản do tác động của luồng hơi thở từ phổi đẩy ra làm rung thanh đới. Thanh đới rung lên không phải là một hoạt động thụ động của hệ thống thần kinh trung ương để thực hiện một yêu cầu nào đó, chẳng hạn khi ta muốn nói hoặc muốn hát. Khi đó thanh đới phải căng ra ở một mức độ cần thiết tương ứng với áp lực của hơi thở ở dưới phổi đẩy lên để tạo nên một âm thanh mong muốn. Ý định của người hát muốn hát ở một âm cao, thấp, to, nhỏ được chuyển hóa thành những tác động của hệ thần kinh trung ương điều khiển độ căng của thanh đới tương ứng với âm thanh ta định phát ra, đồng thời, gần như một lúc, điều khiển một áp lực của hơi thở từ phổi đẩy ra tương ứng với độ căng của thanh đới. Hai lực này phải luôn luôn phù hợp với nhau mới có được âm thanh chính xác và có chất lượng. Muốn chủ động điều khiển hoạt động này, người hát phải tập đẩy hơi thở và ghìm hơi thở sao cho những hoạt động đó trở thành thói quen chính xác như người chơi đàn tập bấm đúng những phím đàn, hoặc điều khiển môi, hơi thở, tay bấm khi thổi kèn... những người không biết hát hoặc hát không tốt thì một trong những nguyên nhân là không biết điều khiển hơi thở và không biết điều khiển thanh đới.
Ngoài chức năng chính cung cấp dưỡng khí cho cơ thể và tác động lên thanh đới để tạo âm thanh, hơi thở trong khi hát còn giải quyết yêu cầu nữa là góp phần làm rõ ý nghĩa của lời hát. Chỗ lấy hơi đồng thời cũng là chỗ ngắt câu, ấn định sự trọn ý, trọn nghĩa của câu hát. Không thể lấy hơi tùy tiện được.

PHẦN 2: PHƯƠNG PHÁP THỞ TRONG CA HÁT


Ca hát đã có trong sinh hoạt của con người từ ngàn xưa, và qua quá trình tiến hóa đã trở thành một loại hình nghệ thuật quan trọng. Để có thể đáp ứng những nhu cầu đa dạng của nghệ thuật qua các thời đại, người ta đã thể nghiệm nhiều phương pháp thở để phục vụ cho tiếng hát như: Thở ngực, thở ngực kết hợp với thở bụng, thở ngực dưới và bụng (hoặc còn gọi là thở xương sườn cụt và hoành cách mô) và thở bụng.
Mỗi phương pháp thở đều có những ưu điểm và nhược điểm, nhưng cho đến nay phần lớn những người hát chuyên nghiệp, kể cả không chuyên khi muốn học hát thực thụ của nhiều nước, trong đó có nước ta, đều tập thở (trong ca hát) theo phương pháp THỞ NGỰC DƯỚI VÀ BỤNG, coi đó là phương pháp thở phù hợp với yêu cầu của ca hát hơn cả.
Trong phương pháp thở ngực dưới và bụng, khi hít hơi vào, phần ngực dưới căng ra, các xương sườn cụt giương lên, bụng cũng hơi phình ra ở phía dưới một chút và cả hai bên sườn, hoành cách mô cũng tham gia tích cực vào quá trình hô hấp này.
Hơi thở là một nhân tố cường độ (to, nhỏ) quan trọng trong ca hát. Nó giống như chiếc ác-sê (vĩ) của cây đàn viôlông, nó khiến phát ra âm thanh và cho phép điều chỉnh độ vang, tạo cho âm thanh sự phẳng lặng, sự sinh động và sức mạnh từ sắc thái nhỏ (pianô) - hầu như không nghe thấy cho đến sắc thái cực to (forte).
Tuy vậy quá trình phát âm phải là sự phối hợp chính xác của động tác lấy hơi, đẩy hơi với các hoạt động khác của cơ quan phát âm như: phối hợp với thanh quản, với bộ phận truyền âm (cuống họng, mồm). Đó là những hoạt động tương hỗ, tác động qua lại với nhau, tất cả mọi hoạt động đều phải đúng, phải chính xác, phù hợp với nhau mới tạo nên những âm thanh đẹp. Chẳng hạn, nếu ta hít vào một hơi thở sâu và đẩy ra một luồng hơi đều đặn, liên tục thì đó là cơ sở tốt cho âm thanh, nhưng nếu những hoạt động ngay sau đó, như mồm mở quá hẹp hoặc quá rộng, hoặc chúm môi lại, hoặc đưa hàm dưới ra phía trước... thì dù hơi thở đúng cũng chẳng có được một âm thanh tốt, mà chỉ có thể là một âm thanh hoặc là sâu; hoặc là bẹt, hoặc là tối, hăy gằn cổ...

Phần 3: ĐỘNG TÁC LẤY HƠI


Khi lấy hơi (hít hơi) phải NHẸ NHÀNG NHƯ NUỐT KHÔNG KHÍ vào, không phát ra tiếng động. Cố gắng lấy hơi nhanh, lấy hơi chậm sẽ ảnh hưởng tới tiết tấu của câu hát và làm cho sự bật ra âm thanh (attacca) bị căng thẳng một cách không cần thiết. Nên LẤY HƠI NHANH BẰNG MŨI, MỘT PHẦN NÀO ĐÓ QUA MỒM. Khi lấy hơi, mồm hé mở tự nhiên, hơi thở hít vào sẽ qua cả mũi và mồm.
Nếu chỉ lấy hoàn toàn bằng mũi hoặc hoàn toàn bằng mồm, luồng hơi khó vào sâu trong phổi, và gặp không khí lạnh có thể gây tác hại cho thanh quản hoặc dễ làm khô cổ.
Không nên lấy quá nhiều hơi vì như vậy sẽ cảm thấy mệt nhọc. Lấy thừa hơi người hát buộc phải đẩy hơi thừa ra ngoài, và lại phải lấy hơi tiếp. Khi lấy hơi phải tùy thuộc vào độ dài hay ngắn, cao thấp của câu hát. Khi hát không nên sử dụng hết kiệt hơi thở mà nên để thừa lại một chút trước khi lấy hơi thở khác.
Không được nhô vai cao khi lấy hơi, vì như thế các cơ hô hấp sẽ bị suy yếu, luồng không khí đi vào sẽ rất nông, chỉ chứa một ít ở phần trên của phổi, không thể hát được câu hát dài và cao. Vả lại nhô vai lên khi hít hơi trông không đẹp mắt.


Phần 5: BƯỚC ĐẦU TẬP THỞ


A.TẬP THỞ KHÔNG KÈM THEO ÂM THANH

*Bài tập 1: Lấy hơi như vào như đã giới thiệu ở phần trước
-Hít hơi vào chậm, trong vài giây
-Ghìm hơi thở trong 1-2 giây
-Đặt đầu lưỡi giữa 2 hàm răng đã xít lại, xì hơi dần ra ngoài qua khe hở của 2 hàm răng, tạo ra tiếng "xì" nhè nhẹ
-Kéo dài tiếng "xì" này càng dài càng tốt (nhẩm đếm 1,2,3,4...; cố gắng mỗi ngày tăng dần độ dài lên). Chú ý cho tiếng "xì" đó phát ra đều đặn không giật cục, không quá nhỏ.
Trong khi "xì" hơi ra, phải giữ sự căng thẳng cần thiết của phần bụng và phần giáp ngực, cụ thể là tuy hơi thở vẫn "xì" ra, nhưng 2 bên mạn sườn cố giữ không cho óp vào nhanh, bụng không xẹp xuống đột ngột.

*Bài tập 2: Lấy hơi và ghìm hơi như bài tập 1
-Chúm môi thổi hơi từ từ ra ngoài
-Để bàn tay gần miệng, cảm nhận luồng hơi phả vào bàn tay để kiểm tra xem hơi thở có đều đặn liên tục không. Có người cầu kì hơn, thắp ngọn nến, thổi hơi sao cho ngọn lửa đổ nghiêng và giữ nguyên một góc độ .

*Bài tập 3: Lấy hơi và ghìm hơi như bài tập 1
Tập cảm giác tập trung hơi thở vào vị trí, bằng cách sau khi hít hơi thì ngậm miệng, bịt mũi, nén hơi thở lên phía trên sống mũi, nén vài lần rồi buông tay và thở ra ngoài.
Chú ý: Hàng ngày trước khi tập hát có thể tập riêng hơi thở khoản 5-10 phút.

B.TẬP HƠI THỞ VỚI ÂM THANH:
Là bài tập phát triển hơi thở, nhưng cũng là bước chuẩn bị cho những bài tập kết hợp hơi thở và đặt vị trí âm thanh.
Bước đầu chú ý hát những nguyên âm a, ê, i, ô, u cho tròn trịa, không bẹt tiếng, nhả âm nhẹ nhàng nhưng vẫn bắt đầu các âm cho rành mạch và không gằn tiếng
*Bài tập 1:
*Bài tập 2:
*Bài tập 3:
*Bài tâp 4:

--------còn tiếp----------------

Phần 5: BƯỚC ĐẦU TẬP THỞ (tt)

Các bạn đã tham khảo 4 bài tập thở với âm thanh. Những bài tập trên phải luyện với tốc độ quy định rõ ràng, thời gian đầu có thể luyện hoơ nhanh, về sau tập với tốc độ chậm hơn để dần dần kéo dài hơi thở. Nếu có phần đệm (oóc-gan, pianô, ghita...) để giữ tốc độ và tiết tấu đều đặn. Khi tập các bạn có thể dùng đồng hồ theo dõi, lúc đầu luyện mỗi bài một hơi thở từ 6-8 giây, về sau luyện với tốc độ chậm hơn: mỗi bài, một hơi thở tới 12 giấy. Luyện cao dần lên từng nửa cung, xuống dần từng nửa cung, không cao quá hoặc thấp quá. Tốt nhất chỉ nên trong phạm vi âm khu trung của giọng hát.

*Bài tập số 5:

*Bài tập số 6:

Ở bài tập số 5 có thể tập vào thời gian sau khi đã luyện thành thục các bài tập trước. Các bạn tập ở tốc độ vừa phải bằng nguyên âm a. Lúc đầu hết một câu, đến hình nốt trắng thì lấy hơi. Ở những lần sau vẫn giữ nguyên tốc độ, nhưng lấy hơi một lần để hát cả 2 câu. Nếu được như vậy thì bạn đã "tiết kiệm" và dành đủ hơi để hát những câu hát dài.
Khi hát thì âm thanh phát ra phải nhẹ nhàng, hát rõ ràng từng nốt, không bỏ nốt nhạc nào, chú ý không vì quan tâm quá đến hơi thở mà bỏ qua chất lượng của âm thanh.

Phần 6 : TỔ CHỨC ÂM THANH


Chất lượng của âm thanh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà một trong những yếu tố đó là hoạt động của mồm. Hoạt động này ảnh hưởng trực tiếp đến âm thanh. Hoạt động của mồm bao gồm những cử động của hàm dưới, môi, lưỡi, hàm ếch mềm. Tất cả những cử động này khi hát tạo nên hình dáng của mồm, thường gọi là KHẨU HÌNH.

a)Hình dáng bên ngoài của mồm khi hát:
Hình dáng của mồm khi hát thay đổi theo sự phát âm nhả chữ, nghĩa là phụ thuộc vào những nguyên âm. Khi nói, các nguyên âm được phát ra nhanh, gọn, không cần phải mở rộng mồm để kéo dài nguyên âm. Nhưng khi hát các nguyên âm được kéo dài theo trường độ của nốt nhạc. Bởi vậy khi hát những âm có trường độ kéo dài mồm phải mở rộng hơn, tích cực hơn, linh hoạt hơn, nếu không thì âm thanh rít qua hai hàm răng và hàm dưới cứng đưa ra phía trước khiến âm thanh không thoát ra ngoài một cách tự nhiên.
Thường thường các giọng nữ mở mồm rộng hơn các giọng nam, nhất là giọng nữ cao khi hát những nốt cao.

b)Hoạt động của môi khi hát:
Sau khi âm thanh được phát ra từ khe thanh quản do áp lực hơi thở lên thanh đới, âm thanh đi ra ngoài qua mồm. Ở đây, do các hoạt động của các bộ phận của mồm, âm thanh đã được lồng vào những nguyên âm và phụ âm, tạo thành lời của câu hát. Hoạt động của môi nằm trong hoạt động chung của mồm.
Tư thế của môi khi hát phụ thuộc vào những nguyên âm và phụ âm. Chẳng hạn ở nguyên âm a và ô, môi tạo hình dáng mở tròn.; Ở nguyên âm u môi hơi chúm lại và đưa ra phía trước; Ở nguyên âm ê môi hơi nhếch lên… Tư thế của môi còn liên quan đến từng loại giọng hát. Những giọng hát cao và nhẹ, khi hát thường áp dụng tư thế hơi nhếch môi trên và hở hàm răng trên. Trong khi đó nhưng giọng trầm khi hát thường hay đưa môi ra phía trước và che kín răng.
Cho dù áp dụng môi theo kiểu nào cũng đều phải tập cho môi mềm mại, linh hoạt. Không nên chúm môi quá khi hát để tránh cho âm thanh không bị sâu và tối. Ngược lại không nên trễ môi dưới quá dễ làm cho âm thanh bị toè, bẹt. Hoạt động của môi phải linh hoạt để bật những phụ âm cho rõ ràng, tạo điều kiện hát được rõ lời, nhất là khi hát những bài hát có tốc độ nhanh.

*Bài tập thực hành:
Để cho môi hoạt động được mềm mại, linh hoạt, ta có thể tập những động tác cử động môi không phát âm, hoặc tập nói nhanh và nhắc đi nhắc lại nhiều lần các phụ âm và nguyên âm. Ví dụ:
-Mi mi mi, ma ma ma, mô mô mô, mu mu mu
-Pi pi pi, pa pa pa, pô pô pô, pu pu pu
-Ka pê tê, pê tê ka

Ngoài ra cũng có thể tập những câu nói thwờng tập cho trẻ em phát âm rõ ràng:
-Tháng năm nắng lắm, ốc bám cọc cầu ao
-Nồi đồng nấu ốc, nồi đất nấu ếch.

Đó cũng là những câu tập các hoạt động của mồm, trong đó có hoạt động của môi mà chúng ta có thể áp dụng.

LƯU Ý:
-Nếu đôi môi gần nhau quá, giọng hát sẽ bị pha tiếng cổ (cổ họng)
-Nếu chúm môi nhiều, âm thanh sẽ bị tối, sâu và nặng nề

c)Hoạt động của lưỡi khi hát:
Lưỡi là bộ phận hoạt động liên tục trong khi hát. Hoạt động của lưỡi phát ra những âm thanh tạo thành lời hát.
Có người khi hát thì đặt lưỡi theo kiểu chiếc thìa úp sấp, đầu lưỡi nằm dưới gần chân răng hàm dưới. Có người khi hát lưỡi lại hơi cong lên ở phần giữa hoặc phần đầu lưỡi. Những giọng cao và nhẹ khi hát thường đặt đầu lưỡi ở chân răng hàm dưới. Những người có giọng trầm thường đặt thường uốn lưỡi cong lên…
Dù giọng cao hay giọng trầm, khi hát nên đặt lưỡi ở tư thế tự nhiên, mềm mại, không nên đưa ra phía trước cũng không tụt về phía sau. Lưỡi cứng là nguyên nhân gây ra giọng cổ, hát không rõ lời. Cuống lưỡi cong lên nhiều quá sẽ gây khó khăn khi hát những âm thanh cao. Hoạt động của lưỡi một phần phụ thuộc vào cử động của hàm dưới. Nếu hàm dưới cứng hoặc chìa ra phía trước cũng sẽ làm cho lưỡi cứng và nghẹt âm thanh. Do vậy khi tập cử động lưỡi cần phải chú ý buông lỏng hàm dưới cho mềm mại. Lưỡi hoạt động không linh hoạt thì phụ âm sẽ phát ra không rõ nét, lời sẽ không đẹp , không rõ ràng.
Ta có thể tập cử động lưỡi bằng những bài tập nguyên âm ghép với các phụ âm Đ, L, N, R, T

d)Hoạt động của hàm dưới khi hát:
Một số người mới tập hát hoặc những người có giọng nam cao hay mắc phải tật cứng hàm, mồm không được mở rộng thoải mái. Hàm cứng sẽ làm cho lưỡi bị cong lên, khi hát những nốt cao thì âm thanh sẽ bị nghẹt và bị chà xát nơi cổ. ĐÓ LÀ NGUYÊN NHÂN CHỦ YẾU GÂY RA GIỌNG CỔ, đồng thời là cũng là một nguyên nhân gây HẠN CHẾ ÂM KHU CAO CỦA GIỌNG.
Khi hát phải luôn chú ý buông lỏng hàm dưới, hạ hàm xuống một cách mềm mại, không đưa hàm ra phía trước.

e)Hoạt động của hàm ếch mềm khi hát:
Vòm trên của mồm là hàm ếch. Phần ngoài cố định, không cử động được gọi là hàm ếch cứng. Phần trong mềm, có thể cử động được gọi là hàm ếch mềm. Hàm ếch mềm nối với lưỡi gà, khi cử động có thể đóng, mở đường ra mồm và lên hốc mũi. Khi muốn nâng lên ta mở rộng mồm phía trong giáp với cuống họng (ví dụ như khi ngáp) Hàm ếch mềm khi hạ xuống sẽ đóng hoàn toàn đường từ cuống họng ra mồm.
Hàm ếch mềm khi hát phải mềm mại, không nên vì mở rộng hàm ếch mà làm cho nó quá căng thẳng, sẽ ảnh hưởng tới cuống họng, âm thanh không thoát ra ngoài một cách thoải mái.
Nếu hàm ếch mềm không nâng lên được, phần trong giáp với cuống họng không mở ra được, âm thanh sẽ ĐI RA NGOÀI BẰNG ĐƯỜNG MŨI là chủ yếu, âm sắc sẽ xỉn và nghẹt, gọi là GIỌNG MŨI.

Phần 6: TỔ CHỨC ÂM THANH (tt)


g)Vị trí của âm thanh (trích):

Đây là một vấn đề cực kì quan trọng với người học hát. Tiếng có đẹp, có tròn, có vang, có khả năng bay xa…một phần phụ thuộc vào vị trí của âm thanh.
Khi một người hát tốt, ta có cảm giác như âm thanh phát ra không phải âm vang từ mồm, mà như ở chỗ nào đó cao hơn, ở đầu, ở hốc mũi, ở trán… Hiện tượng này là có thật. Âm thanh của giọng hát không chỉ âm vang ở mồm, mũi mà truyền đi ở những hốc vang khác nữa. Khi ta hát một âm thanh vang tốt, ta cảm thấy hơi rung ở xương mặt.
Ta đã biết ở xương mặt có những hốc (xoang) và những xoang này ăn thông với nhau với hốc mũi. Khi ta hát, nếu chủ động, có ý thức đẩy âm thanh lên phía trên, hướng lên cao (đây là yếu tố trừu tượng, nặng về ý chí và cảm giác) thì ta sẽ tác động cho những xoang bao bọc bởi những niêm mạc với hệ thống dây thần kinh chi chít ở phía trên kích thích rung động, gây nên những cảm giác đặc biệt, tức là cộng minh đầu. Có nghĩa là ta đã chủ động, có ý thức tạo ra sự cộng hưởng, cùng rung vang của các xoang trên mặt. Đó gọi là vị trí cao của âm thanh.
Vị trí cao của âm thanh là những cảm giác, nhưng chính những cảm giác ấy giúp người hát đánh giá hoạt động của cơ quan phát âm đúng hay sai. Ở mỗi loại giọng hát, những cảm giác cộng minh này có thể có mức độ nhiều, ít khác nhau.

*Bài tập thực hành:
Mục đích của bài tập này là thực hành những lí thuyết đã được tham khảo về hình dáng mồm, hoạt động của môi, lưỡi, cho nên các bạn chỉ cần dùng nguyên âm (a, i..) hoặc kết hợp với những phụ âm (la, ma, mi…)
Chú ý: Khi lấy hơi vào, thử tưởng tượng như đang buồn ngủ và muốn ngáp, để mở rộng mồm phía trong, nhấc hàm ếch mềm lên, mở rộng lối cho âm thanh cùng một lúc đi vào mồm và hốc mũi.
Buông lỏng hàm dưới xuống một cách mềm mại. Lưỡi đặt ở tư thế tự nhiên, mềm mại. Khi hát nguyên âm, đầu lưỡi chấm vào chân răng hàm dưới. Khi tập kết hợp với phụ âm L, lưỡi cử động linh hoạt.
Khi tập với phụ âm M, môi phải linh hoạt để bật ra âm thanh rõ ràng linh hoạt.
Hình dáng của mồm thoải mái, thay đổi linh hoạt tuỳ thuộc vào cử động của môi, lưỡi, hàm dưới, hàm ếch mềm.
Các bạn tham khảo bài tập hát dần từng nửa cung đến độ cao thích hợp:


Cố gắng thử hình dung đẩy âm thanh lên vị trí cao, tưởng như âm thanh không phải phát ra từ mồm, mũi, mà từ trên trán phát ra.
Muốn biết mồm bên trong và hàm ếch mềm có nhấc lên được hay không, có thể căn cứ vào yết hầu (nam giới thấy rõ hơn). Hầu tụt xuống là hàm ếch đã mở (chú ý: đừng để hầu tụt xuống quá, sẽ gây ra sự căng cứng, kém linh hoạt khi phát âm.
-------------- nguồn: Phương pháp thực hành hát và chỉ huy dàn dựng hát tập thể - Nxb Giáo dục--------------

Phương pháp thực hành hát(tt)



phần 7: MỘT SỐ KĨ THUẬT HÁT


a)Hát liền tiếng (legato, cantilena):

Hát liền tiếng là kiểu hát cơ bản nhất của kĩ thuật thanh nhạc trên thế giới. Có người đã nói rằng ai không hát liền tiếng thì coi như không biết hát. Trong các tác phẩm ca hát ở nước ta, từ những bài dân ca đến những bài hát trong sinh hoạt, trên sân khấu ca nhạc, những ca khúc nghệ thuật thường có giai điệu phong phú, êm ái, uyển chuyển. Cho nên để thể hiện đặc tính nghệ thuật đó thì cách hát liền tiếng phải được đặc biệt quan tâm trong kĩ thuật thanh nhạc.

Hát liền tiếng là cách hát chuyển tiếp liên tục, đều đặn, tự nhiên, thoải mái từ âm nọ sang âm kia. Giọng hát không ngừng ngắt và cũng không vuốt qua một âm trung gian nào. Hát liền tiếng là cách hát để đáp ứng tính chất mềm mại của giai điệu, với âm thanh có chất lượng tốt.
Hát liền tiếng là kết quả của một hoạt động phức hợp của toàn bộ bộ máy phát thanh, hội tụ được những điều kiện như:
-Luyện tập cho cơ quan phát thanh hoạt động đúng và phù hợp, nghĩa là hơi thở phải có điểm tựa kéo dài; hơi thở sâu và sử dụng tiết kiệm, gắn bó chặt chẽ tất cả các nốt nhạc (âm thanh) lại với nhau, từng âm thanh phải vang khoẻ, tròn trặn, thống nhất về cường độ và âm sắc.
-Hát liền tiếng trong luyện thanh dễ hơn trong những bài hát,vì giai điệu còn ghép với lời, gồm những nguyên âm và phụ âm. Muốn hát liền giọng trong các bài hát, ngoài việc hát liền các nguyên âm, còn phải phát âm những phụ âm nhanh, gọn, làm cho bộ phận truyền âm thay đổi những tư thế khác nhau khi phát âm những phụ âm.
Nói trong sinh hoạt và việc phát âm những vần, tiếng trong ca hát rất khác nhau. Khi nói, mọi người không dừng lại ở những nguyên âm, mà phát âm những nguyên âm nhanh và ngắn, còn trong ca hát thì nguyên âm được kéo dài ra. Phụ âm trong lời nói và trong ca hát thì giống nhau và bao giờ cũng phát âm nhanh.
Biết xử lí sao cho các nguyên âm được hát lên và tước bỏ những trở ngại do phát âm những phụ âm gây ra là điều rất quan trọng để tạo ra tiếng hát đẹp, mượt mà, nghĩa là thật legato, cantilena.
Người hát phải cố sao trong lúc hát các nguyên âm được kéo dài và nối liền nguyên âm nọ với nguyên âm kia, càng liền càng tốt, mặc dù giữa các nguyên âm còn có những phụ âm. CCần đặc biệt chú ý những phụ âm khép tiếng ở cuối chữ, ví dụ: C, CH, NH, NG, P, T – không nên khép lại quá sớm mà cố kéo dài đủ trường độ nốt nhạc trên những nguyên âm, rồi khép phụ âm và chuyển nó thành một nguyên âm vang ở mũi. Như vậy âm thanh cũng như lời hát sẽ gắn bó được với nhau.
Chú ý khi giải quyết yêu cầu hát liền tiếng vẫn phải chú ý hát rõ lời. Trong các bài dân ca hoặc các bài hát mà tác giả của nó chú ý trau chuốt lời ca, thì tính giai điệu còn hàm chứa ngay cả trong lời hát với những ca từ đẹp, giàu hình tượng, giàu chất thơ.

*Bài tập:

a) Gồm toàn một nốt nhưng lại nối với nhau bằng những dấu nối, tức là những nguyên âm a, ê, i , ô, u hát liền một hơi thở, khi thay nguyên âm chỉ có khẩu hình (hình mồm) thay đổi, âm thanh không đứt đoạn, tạo ra một lối hát liền tiếng, móc nói các nguyên âm với nhau.
b)Được bổ sung thêm phụ âm m để tập bật âm thanh (attacca) bật môi nhưng không làm ngắt tiếng. Âm thanh liền một hơi, giữ tiết tấu, tốc độ của các nốt nhạc hoàn toàn giống nhau.

b)Hát nhanh:


Hát nhanh là cách hát những giai điệu một cách linh hoạt, rõ ràng, gọn gàng. Đó cũng là một yêu cầu quan trọng của nghệ thuật ca hát.
Giọng hát nào cũng có thể hát nhanh nếu chú trọng luyện tập phát triển kĩ thuật hát nhanh. Tất nhiên loại giọng cao, nhẹ nhàng thuận lợi cho việc luyện tập hát nhanh hơn là giọng trầm. Kĩ thuật hát nhanh đặc biệt cần thiết cho giọng nữ cao màu sắc (soprano coloratura) để thực hiện những yêu cầu kĩ thuật kĩ xảo, linh hoạt, thể hiện sự vui tươi, trong sáng, ríu rít như tiếng chim hót.
Nói chung phong cách thanh nhạc thời nay ít đòi hỏi sử dụng kĩ thuật hát nhanh như phong cách thanh nhạc thời xưa, nhất là trong các vở ca kịch…Tuy nhiên dù sao thì kĩ thuật hát nhanh ngày nay vẫn cần cho cho một ca sĩ. Tập hát nhanh cũng như tập thể dục cho giọng hát vậy, giúp cho giọng hát phát triển tốt, nhẹ nhàng, linh hoạt, hơi thở cũng dần tiết kiệm, hát được câu nhạc dài hơn. Hát nhanh giúp cho ca sĩ biết điều chỉnh giọng hát của mình tốt hơn, luyện những nốt cao thuận lợi hơn, vì khi hát nhanh, âm thanh sẽ lướt nhanh cùng hơi thở và có điều kiện lên cao dễ hơn, có đà hơn.
Khi tập hát nhanh, phải chú ý lấy hơi sâu và nhanh, vì lấy hơi chậm sẽ ảnh hưởng đến tốc độ và làm cho âm thanh bị nặng nề. Phải đẩy hơi nhẹ nhàng, liên tục. Luôn chú ý đến sự chuẩn xác về cao độ, không bỏ nốt, âm thanh phải rõ ràng, hàm dưới phải buông lỏng, vị trí của âm thanh phải cao và không hút vào sâu.


Ở 2 bài tập này đều có dấu legato từ đầu đến cuối câu nhạc, cho nên tuy nhanh và nhiều âm khác nhau, nhưng vẫn phải đảm bảo hát liền tiếng, không bỏ nốt nào. Muốn hát được liền một hơi câu nhạc, cần lấy hơi vào sâu, nén hơi thở và phát ra âm thanh, sử dụng linh hoạt khẩu hình bám sát những nguyên âm. Có thể tập bằng tốc độ chậm trong phạm vi hơi thở cho phép, sau đó nhanh dần.

c)Hát âm nảy (staccato):


Hát âm nảy là một yêu cầu kĩ thuật của giọng hát, vì lối hát này có nhiều tác dụng tốt cho việc phát triển giọng hát. Trước hết, âm nảy là phương thức tốt nhất để nắm được cách bật âm thanh (attacca) nhẹ nhàng, gọn tiếng, tạo ra cơ sở để phát triển âm khu cao của giọng hát, vì để lên cao, dùng âm nảy, gọn,, nhanh, như lướt qua các âm cao, rất thuận lợi để sau nhiều lần, sẽ củng cố được âm cao ấy. Âm nảy sẽ tạo ra thói quen bật âm thanh đúng, điều cần thiết phải có khi hát liền tiếng (legato)
Khi hát âm nảy phải buông lỏng hàm dưới, môi trên hơi nhếch lên để hở hàm răng như khi cười, càng lên cao mồm càng mở rộng hơn. Vị trí âm thanh phải nông (cạn) như phát ra từ chân răng hàm trên. Hơi thở phải liên tục, nhẹ nhàng, không đẩy hơi theo kiểu tống hơi từng đợt vào thanh đới theo từng nốt nhạc, phải giữ cho bụng tương đối ổn định, mềm mại , mà vẫn phải nén hơi.
Âm nảy còn là biện pháp sửa những sai lệch về âm sắc như hát sâu, tối, gằn cổ. Với yêu cầu phải linh hoạt, trong sáng của âm nảy, âm thanh bắt buộc phải có vị trí nông và cao, giúp khắc phục dần những sai lệch nói trên của giọng hát.

*Bài tập:

-Bài tập a: hoàn toàn âm nảy
-Bài tập b: kết hợp hát liền tiếng (legato) với hát âm nảy (staccato)
------------------------------

d)Hát sắc thái to, nhỏ:


Nắm được kĩ thuật hát những sắc thái to, mạnh (forte), hoặc nhỏ (piano) hoặc từ nhỏ đến to, to dần (cresendo), từ to đến nhỏ, nhỏ dần (diminuendo) là yêu cầu không thể thiếu được đối với một người hát.
Ta thử hình dung ca sĩ hát một bài hát (cho dù là một hành khúc, chứ chưa nói đến một bài hát trữ tình), mà từ đầu đến cuối toàn hát to – chỉ một sắc thái ấy – thì sẽ kém hấp dẫn biết bao.
Trong một bài hát, tình cảm được thể hiện một phần bằng những sắc thái thay đổi to, nhỏ của một nốt nhạc hoặc cả câu nhạc, bằng cả sự tương phản giữa to và nhỏ…
Luyện tập hát to, nhỏ, to dần, nhỏ dần là một vấn đề khó, vì điều quan trọng là khi thay đổi âm lượng nhưng vẫn giữ được chất lượng âm thanh. Muốn đạt được yêu cầu đó phải thực hiện mấy điểm sau đây:
-Lấy hơi sâu, đẩy hơi đều đặn, liên tục (không đẩy hơi ồ ạt, đột ngột). Kết hợp với hơi thở đó, phải mở rộng mồm phía trong bằng cách nhấc hàm ếch mềm và buông lỏng hàm dưới.
-Âm thanh phát triển to dần, nhỏ đi dần, không đột ngột. Hát vuốt nhỏ dần tương đối khó hơn so với hát to dần, nhất là ở nốt cao. Âm thanh phải di chuyển đều đặn, đừng nhỏ đột ngột, nén hơi thở cho tốt, vì nếu buông lỏng hơi thở, âm thanh sẽ bị gãy khúc.
Khi hát nhỏ dần, mồm không nên khép lại, vẫn phải giữ độ mở cần thiết ở bên trong mồm để khi âm thanh vuốt nhỏ đi sẽ không bị nghẹt, gãy mà kéo dài được liên tục, nhỏ dần dần và âm thanh chuyển dần vào hốc mũi.

*Bài tập:

Bài tập này mục đích để tập xử lí sắc thái to dần, nhỏ dần. Cho nên ở đây dùng các kí hiệu âm nhạc để chỉ sự to dần, nhỏ dần
ppp: cực nhỏ
pp: nhỏ vừa
p: nhỏ
mf: hơi to
f: to

Cũng có thể dùng các kí hiệu khác trực quan hơn để chỉ sự to dần ( < ) và nhỏ dần ( > )
To dần: < cresc
Nhỏ dần: > dim


Phần 8:

XỬ LÍ NGÔN NGỮ TRONG CA HÁT


Xử lí ngôn ngữ trong ca hát có nghĩa là cách xử lí lời ca của bài hát. Đây là một vấn đề tưởng chừng như đơn giản, vì người Việt Nam hát lời ca bằng tiếng Việt (trừ những bài hát nước ngoài không dịch ra lời Việt). Nhưng hoàn toàn trái ngược lại, đây là một công việc phải đặc biệt quan tâm khi tập và biểu diễn một bài hát.
Một ca khúc bao giờ cũng phải gồm hai phần liên quan mật thiết với nhau, đó là giai điệu và lời ca. Giai điệu đẹp tôn lời ca lên, và lời ca đẹp, giàu hình ảnh, giàu chất thơ làm cho giai điệu dễ thấm vào lòng người hơn.
Một ca khúc hay, được nhiều người yêu thích, thường phải đẹp cả giai điệu lẫn lời ca, cho nên nhiều tác giả đã chọn những bài thơ hay để phổ nhạc, cho dù việc phổ nhạc cho một bài thơ có sẵn là một việc không dễ làm, làm sao cho nhạc làm nổi ý thơ lên nhưng lại không quá lệ thuộc vào lời thơ.
Thế nhưng lời ca đẹp, song người hát do không quan tâm nghiên cứu nội dung lời ca một cách thấu đáo, vội vàng, hiểu qua loa, khi thể hiện lại không chuyển tải được sâu sắc những tình cảm hàm chứa trong lời ca, khiến lời ca đẹp ấy mất đi bao nhiêu giá trị thực có của nó.
Lại cũng có khi, điều này hay xảy ra, nhất là trong lĩnh vực thanh nhạc bác học, nhạc thính phòng, người hát hát bằng tiếng Việt nhưng người Việt Nam nghe cứ tưởng ca sĩ ấy hát bằng tiếng nước ngoài. Nghe âm thanh thấy đẹp, giai điệu thật hay nhưng chẳng hiểu gì cả.
Hát phải rõ lời, đó là vấn đề trước hết phải quan tâm trong việc xử lí ngôn ngữ ca hát. Ở những bài trước đã có đôi lúc đề cập đến vấn đề này: Luyện giọng bằng những nguyên âm có thể dễ hơn nhiều với hát một bài hát. Vì lời ca đâu chỉ có những nguyên âm a, i, e, ê, o, ô, u! Lời ca phần lớn gồm những nguyên âm và phụ âm, trừ một số cảm thán từ, như: “ôi!”, “a!” hay những hư từ ta gặp trong dân ca Quan họ, trong chèo…
Phát âm và nhả chữ là hai yêu cầu thống nhất của nghệ thuật ca hát. Hai yêu cầu này gắn bó với nhau, hỗ trợ cho nhau để tạo nên một tiếng hát hoàn chỉnh. Âm thanh đúng tạo điều kiên cho việc nhả chữ rõ ràng. Nhả chữ rõ ràng, đẹp làm cho âm thanh thêm phong phú về màu sắc và tình cảm.Nhả chữ rõ ràng hay không tuỳ thuộc vào cách xử lí nguyên âm và phụ âm của các từ trong lời ca. Khi hát cần phải đảm bảo sự âm vang cần thiết của âm thanh, mà muốn có âm vang tốt, cần phải dựa vào các nguyên âm chứ không thể dựa vào các phụ âm, người ta cũng có lí khi cho rằng ca sĩ chỉ hát trên những nguyên âm. Vậy muốn rõ lời thì không thể hát hoàn toàn những nguyên âm, mà phải phát âm những phụ âm nhanh gọn, làm cho bộ phận truyền âm thay đổi rất nhanh những tư thế khác nhau (mồm, môi, lưỡi).
Trong phong trào ca hát không chuyên, một số anh chị em ca sĩ nghiệp dư thường mắc phải nhược điểm là không phát âm được rõ ràng những chữ có phụ âm khép ở cuối, (có thể do muốn âm thanh được tròn, vang, không bị đưa lên mũi). Nhưng đối với những người có kĩ thuật phát âm tốt thì hai yêu cầu phát âm và nhả chữ thường được giải quyết thoả đáng. Chẳng hạn như gặp những phụ âm khép tiếng ở cuối chữ: C, CH, NH, NG, T, P, N… thì họ xử lí bằng cách không khép lại quá sớm, mà cố kéo dài đủ trường độ nốt nhạc trên những nguyên âm, rồi khép phụ âm và chuyển nó thành một nguyên âm vang ở mũi, khiến cho âm thanh không bị ảnh hưởng mà vẫn rõ lời.
Một vấn đề nữa liên quan đến xử lí ngôn ngữ trong ca hát là vấn đề bố trí chỗ lấy hơi cho phù hợp, đúng chỗ, vì lấy hơi ngắn hay dài, sâu hay nông đều làm cho âm thanh và lời hát ngắt lại, gần như một dấu phảy hay một dấu chấm phảy trong câu văn vậy. Thí dụ trong câu hát Người Việt Nam có nghe tên Dôia…aaa, du kích quân của Liên Xô không may sa vào tay thùthì không thể lấy hơi sau chữ “của” hoặc chữ “sa” vì thiếu hơi được, mà phải bố trí lại chỗ lấy hơi để làm cho câu hát không bị ngắt ngược với ngữ nghĩa, khiến người nghe khó hiểu.

Phần 9:

LỰA CHỌN BÀI HÁT

Lựa chọn được bài hát phù hợp với giọng hát, khả năng biểu hiện của từng người, với chủ đề của buổi biểu diễn, đối tượng của người nghe là đã đảm bảo được một nửa. (nếu không muốn nói là hơn) cho kết quả biểu diễn. Đó là những điều kiện khách quan, không phụ thuộc vào ý thích riêng của người hát. Tất nhiên nếu phù hợp với mong muốn chủ quan cũng tạo ra sự hưng phấn trong biểu diễn, góp phần cho thành công, nhưng dẫu sao cũng không thể coi nhẹ những điều kiện khách quan đó được.
Có hai vấn đề cần chú ý khi chọn lựa bài hát, đó là nội dung lời ca và nội dung âm nhạc của bài hát. Tách bạch ra như vậy, nhưng trên thực tế hai yêu tố âm nhạc và lời ca luôn gắn bó với nhau, bài hát tốt, hay thì không thể có sự tương phản giữa lời ca và âm nhạc, mà nhạc hay sẽ tôn ý của lời ca, giúp khắc hoạ sâu ý lời vào tâm hồn người nghe, và lời ca đẹp, trau chuốt, giàu chất thơ trong hình tượng và vần điệu, cũng góp phần làm nổi bật lên vẻ đẹp của âm nhạc.
1) Chọn bài hát căn cứ vào nội dung lời ca:
Những bài hát lưu hành phổ biến trong nước ta có nội dung rất phong phú, đa dạng: Ca ngợi Tổ quốc, ca ngượi thiên nhiên đất nước, những chiến công vang dội qua những thời kì dựng nước và giữ nước, những anh hùng của các thời đại. Cũng có những bài hát nói về một quê hương, một địa danh, địa phương cụ thể nào đó, nhưng lại được người trong cả nước yêu thích vì nói lên được ước vọng, tâm trạng chung của mọi người trong một thời điểm nhất định nào đó (Quảng Bình quê ta ơi, Hà Tây quê lụa, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Nhớ về Hà Nội,….)
Có những bài hát nói về một ngành nghề cụ thể, nhưng người ngành nghề khác vẫn yêu thích, chẳng hạn: Tôi, người thợ lò, Mùa xuân trên những giếng dầu, Em đứng giữa giảng đường hôm nay, Bài ca xây dựng, Những ánh sao đêm, …
Còn có những đề tài về tình yêu, kính thầy, yêu bạn, tình yêu nam nữ là những đề tài muôn thuở.
Cho nên, dù ở đề tài nào, cần chọn những nội dung trong sáng, lành mạnh, lạc quan, yêu đời, có tác dụng tốt về tư tưởng, thẩm mĩ, đạo đức.
Bài hát lựa chọn còn phải phù hợp với lứa tuổi, giới tính. Đừng chọn những bài hát đề cập đến những nội dung vượt quá suy nghĩ, nhu cầu lứa tuổi của bản thân người hát và cả đối tượng nghe hát. Chẳng hạn ở lứa tuổi 15, 16 chưa nên chọn những bài hát như Thiên thai, Suối mơ, Cô láng giềng, Cô lái đò… sẽ tạo ra cảm giác già trước tuổi, mà nên chọn những bài hát như Em đi chùa Hương, Bản tăng gô thời cắp sách…. những bài về yêu Tổ quốc, yêu thiên nhiên, tình bạn, tình yêu, kính thầy cô, yêu bố mẹ…
Cũng không nên chọn những bài có lời ca thể hiện quá rõ giới tính nam hoặc nữ (tuy thông thường cũng có thể sửa lời đôi chút)
2) Chọn bài hát căn cứ vào âm nhạc:
-Tầm cữ giọng phù hợp, không lên quá cao, không xuống quá thấp, hoặc không kéo quá dài, “treo” ở một âm khu cao quá hoặc thấp quá so với giọng của mình. Tất nhiên có thể xử lí bằng cách dịch giọng lên cao hoặc xuống thấp, nhưng không phải bài hát nào cũng xử lí theo cách đó được, có khi bớt âm cao lại thêm những âm trầm không hợp giọn hoặc ngược lại.
-Tính chất âm nhạc phù hợp với sở trường biểu hiện của mình: vui tươi, dí dỏm, nghịch ngợm, hoặc trữ tình, êm dịu, thiết tha, sâu lắng… Tất nhiên trong khi luyện tập cũng không nên quá phụ thuộc vào khả năng tự nhiên của giọng hát, tự hạn chế, tự bó hẹp mình trong khuôn khổ biểu hiện chỉ một loại bài hát có hình thức, có nội dung cảm xúc phù hợp mà phải cố gắng luyện tập cho khả năng biểu hiện của mình phong phú hơn, đa dạng hơn. Biết hát tốt những bài hát vui, khoẻ mạnh, nhưng cũng phải rèn luyện để hát hay những bài hát trữ tình.
-------------------------------------

Phương pháp thực hành hát



Phần 10:

CHẾ ĐỘ LUYỆN TẬP

Khi nói đến chế độ luyện tập và phương thức luyện tập, ta chia ra những chế độ chung và những phương thức cụ thể luyện tập một bài hát đã lựa chọn. Chế độ chung bao gồm việc luyện tập hàng ngày, việc bảo vệ, phát triển giọng hát thông qua ăn uống, giấc ngủ, bảo vệ cổ họng,… còn phương thức cụ thể luyện tập một bài hát đã chọn sẽ là những bước cụ thể cần tiến hành khi tập một bài hát.

1)Chế độ chung cần thiết cho người hát:
-Luyện tập phù hợp với khả năng, sức khoẻ, không quá ham mê mà bắt giọng hát phải làm việc quá sức. Nhưng dù tập ít hay tập nhiều, điều quan trọng là duy trì thường xuyên, ngày nào cũng tập, trước hết là những bài tập luyện hơi thở, luyện hát liền tiếng, hát nhanh, hát nảy tiếng. Luôn luôn chú ý đến sự điều độ, phát triển dần, không gượng ép. Bài tập luyện hơi thở cũng phải từng bước kéo dài dần, luyện âm thanh cũng mở rộng tầm cữ lên cao xuống thấp dần dần…
-Với một số lứa tuổi nhi đồng, thiếu niên… phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu bảo vệ giọng, luyện giọng trong thời kì trước khi vỡ giọng, khi vỡ giọng và sau khi vỡ giọng.
Ngoài ra là một số chế độ rất cần thiết với người học hát, đó là vấn đề ăn ngủ, bảo vệ cổ họng, nhưng tất nhiên là những đòi hỏi nghiêm ngặt cho những người học hát và hát chuyên nghiệp, lấy hát làm nghề nghiệp chính, còn với học sinh, với phong trào sẽ là những kiến thức cần biết nhưng áp dụng nhiều ít là tuỳ theo hoàn cảnh và điều kiện cho phép.

GIẤC NGỦ:
Ngủ là thời gian nghỉ ngơi quan trọng của cơ thể, là thời gian phục hồi năng lượng của tế bào thần kinh não, để tiếp tục những khả năng hưng phấn hàng ngày. Giấc ngủ đầy đủ để phục hồi năng lực phải kéo dài từ 7-8 giờ trong một ddêm cho người lớn và 9 giờ cho trẻ em. Tỉ lệ thời gian này tuỳ thuộc vào bản chất hệ thần kinh từng người.
Nên ngủ vào một giờ tương đối cố định, thành thói quen, sẽ dễ ngủ hơn. Người hát mà mất ngủ thì thần kinh sẽ không nhạy cảm, mà như ta đã biết, hệ thần kinh tác động lớn đến giọng hát; thanh đới mệt, tiếng hát sẽ không được trong sáng, thoải mái và khoẻ khoắn, diễn xuất không được hào hứng, không linh hoạt.
Trước ngày biểu diễn nên ngủ đủ giấc, không được chơi khuya. Nếu có thể, vào hôm biểu diễn, buổi trưa nên ngủ khoảng 45 phút, sẽ rất có lợi cho giọng hát.

ĂN UỐNG:
-Không nên ăn quá nhiều, quá no trước khi biểu diễn làm cho dạ dày phải làm việc nhiều, gây mệt mỏi cho cơ thể, nặng bụng, khó nén hơi, ghìm hơi lúc hát.
-Không nên ăn quá chua, quá cay, quá nóng, quá lạnh. Trước khi biểu diễn càng không nên uống lạnh, ăn cay, vì như ta đã biết trong mồm và cuống họng cũng như toàn bộ cơ quan phát âm được bao phủ bởi một màng mỏng gọi là niêm mạc, mà những niêm mạc này dễ bị kích thích bởi những gia vị của đồ ăn, thức uống.

BẢO VỆ CỔ HỌNG, GIỌNG HÁT:
-Phải giữ gìn, tránh tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp (viêm mũi, viêm họng) vì khi bị viêm những bộ phận này, giọng hát sẽ mất đi những cảm giác quen thuộc đã có khi hát, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giọng hát. Khi bị viêm đường hô hấp, niêm mạc sẽ bị tấy đỏ, tiết nhiều nước nhầy trong suốt, dần dần đặc lại thành đờm, thành mủ.
Phải tập thở bằng mũi, nhất là về mùa đông để hạn chế luồng khí lạnh và bụi. Mùa đông phải giữ ấm chân và cổ họng, chú ý súc miệng nước muối trước khi đi ngủ. Ngửa cổ họng cho nước muối xuống sâu trong họng và xúc mạnh, lâu.
Nếu bị viêm amyđan phải được bác sĩ tai mũi họng có kinh nghiệm tiến hành, vì kinh nghiệm cho thấy việc cắt bỏ amyđan khôn thận trọng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giọng hát. Tốt nhất là giữ gìn để amyđan không phát triển và không bị viêm bằng cách thực hiện những quy tắc vệ sinh cổ họng.
Một việc làm quan trọng để bảo vệ giọng hát là duy trì luyện thanh hàng ngày và luyện thanh trước khi biểu diễn, đưng bao giờ hát khi chưa luyện thanh. Điều này cần áp dụng cả cho những người hát không chuyên, cho học sinh trước khi biểu diễn. Nếu là hát đồng ca, hợp xướng, cần cho luyện thanh tập thể bằng vài bài tập nhẹ, như kểu “khởi động” của vận động viên thể thao trước khi luyện tập hoặc thi đấu, như người múa làm những động tác cơ bản trước khi tập hoặc diễn tiết mục, như người nhạc công luyện ngón trước khi tập, diễn tiết mục.

2.Những chế độ, phương thức cụ thể khi tập một bài hát:


Có một số bước cụ thể cần tiến hành khi tập một bài hát mới, nếu tuân thủ được, việc luyệ tập sẽ có hiệu quả tốt.

*VỠ HOANG BÀI HÁT:
-Đọc lời ca một vài lần cho quen, sau đó đọc một, hai lần có tính diễn cảm. Việc đọc lời ca trước như vậy rất có lợi, vì lời ca dễ đọc hơn nốt nhạc. Qua việc đọc lời ca, ta còn phần nào hiểu được nội dung của bài hát để bước đầu có những hưng phấn, những cảm xúc khi tập hát, như vậy sẽ dễ thuộc, dễ tìm hình tượng diễn cảm của bài hát.
-Ghép lời với nhạc: Nếu biết xướng âm tốt thì nên tập phần nhạc bằng cách đọc xướng âm, thỉnh thoảng kiểm tra giai điệu bằng một nhạc cụ nào đó (ghi ta, măng-đô-lin, pianô…) Nếu xướng âm chưa vững, có thể đánh giai điệu trên đàn rồi ghép với lời ca.
-Nên tập từng câu, từng đoạn, tập kĩ những chỗ khó, đoạn khó cho thật chuẩn xác. Đừng lướt qua, bỏ qua những chỗ có sai sót về cao độ và trường độ. Nếu không, khi đã ăn sâu chỗ sai vào tiềm thức thì sau này rất khó sửa, phải sửa đi, sửa lại rất mất thời giờ.
-Thoạt đầu tập ở tốc độ chậm, đến khi hát chính xác về cao độ và trường độ, tiết tấu mới tập đúng tốc độ qui định của bài.
-Đánh dấu những chỗ lấy hơi phù hợp. Trường hợp câu nhạc và lời ca không thống nhất được cùng một chỗ ngắt câu thì nên ưu tiên ngắt câu theo ý của lời ca để khỏi làm sai ý của câu hát.

*GỌT GIŨA, TẬP SÁNG TẠO:
Khi đã thuộc bài, là lúc phải trau chuốt, gọt giũa từng câu, từng đoạn.
-Trước hết, hết sức chú ý hát rõ lời, nhả chữ cho chính xác. Trong bài có những chữ khó phát âm thì phải tập kĩ. Một mặt phải đảm bảo sự âm vang cần thiết của âm thanh, mặt khác phải đảm bảo rõ lời. Với những chữ tận cùng bằng phụ âm đóng như C, CH, N, NH, NG, T, P… mà lại có trường độ kéo dài thì ta cần kéo dài nguyên âm trong chữ đó, cuối cùng đóng phụ âm lại, chuyển thành một nguyên âm vang ở mũi.
Hát rõ lời là rất quan trọng, nhưng không vì thế mà phát âm một cách máy móc, khô khan, cộc lốc, khiến câu hát trở thành rời rạc.
-Dựa vào nội dung, chất liệu âm nhạc để biểu hiện được phong phú, sâu sắc, có sáng tạo. Đừng quá bắt chước lối thể hiện bài hát của một vài ca sĩ đã thành danh, vì học người đi trước là cần thiết, nhưng đừng tự hạn chế sự sáng tạo của riêng mình!
--------------------
CHƯƠNG II
PHƯƠNG PHÁP VÀ KĨ THUẬT HÁT GIAI ĐOẠN I

Chương I là chương chủ yếu dành cho phần lí thuyết, giới thiệu về cấu trúc của bộ máy phát âm, về tổ chức âm thanh, xác định và phân loại giọng hát, sơ qua một số kĩ thuật hát, những cơ sở kiến thức về xử lí ngôn ngữ trong ca hát, cách lựa chọn bài hát và chế độ luyện tập.
Ở chương II chúng ta sẽ chuyển sang giai đoạn thực hành bước I, áp dụng những lí thuyết đã được lĩnh hội vào trong công việc luyện thanh và ứng dụng trong việc thể hiện bài hát.
Luyện thanh là một công việc cực kì quan trọng trong quá trình phát triển một giọng hát, là lúc ta biến cái vô thức thành ý thức, biến cái bản năng thiên phú thành kĩ thuật, nghệ thuật
Trong phong trào ca hát, không hiếm khi ta gặp những người có giọng hát bản năng với âm sắc đẹp, tầm cữ rộng, có sự phối hợp khá ăn ý của hơi thở, với vị trí thanh quản chính xác. Những người này ngay từ nhỏ đã đam mê ca hát và có được những thói quen tốt trong ca hát, cũng theo bản năng. Họ hát hồn nhiên, chẳng cần phải nghĩ ngợi xem phải hướng âm thanh vào đâu, phải lấy và đẩy hơi ra sao…
Nhưng nếu cứ tiếp tục sử dụng giọng hát trời cho có những điều kiện thuận lợi ấy, thì họ có thể sẽ nhanh chóng để mất đi những phẩm chất có sẵn ấy nếu như không bắt đầu học tập kĩ thuật hát một cách có hệ thống, nắm được những cơ sở của kĩ thuật phát ra âm thanh. Những bản năng thiên nhiên chỉ thay thế được kĩ thuật khi bộ máy phát thanh còn trẻ trung, tươi mới. Sử dụng giọng hát theo kiểu ấy trước hết làm mất dần vẻ đẹp trong âm sắc giọng, dần dà sẽ gặp khó khăn khi hát ở những âm cao và trầm, nhất là âm khu cao.
Luyện thanh tức là bằng một số bài tập từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó để kết hợp cùng một lúc lấy hơi, nén hơi, đẩy hơi, mở mồm với những hoạt động của môi, lưỡi, hàm dưới, hàm ếch cứng, hàm ếch mềm, tìm cảm giác về vị trí âm thanh… Trong luyện thanh, ta sử dụng một số nguyên âm cơ bản: i, ê, a, ô, u hoặc kết hợp nguyên âm i với các nguyên âm khác để có: ia, iê, iô, iu, rồi kết hợp một số phụ âm. Sở dĩ không sử dụng nguyên âm e, vì nếu phát âm không chú ý, âm thanh dễ bị toè, bẹt, là điều hạn chế việc đưa âm thanh lên vị trí cao.
Các bài tập luyện thanh cần sử dụng theo cách lên cao, xuống thấp dần từng nửa cung, và khi bắt đầu nên lựa chọn những âm trong âm khu trung bình của giọng hát để làm điểm xuất phát, từ đó lên cao dần và xuống thấp dần, nhưng giai đoạn đầu cũng nên hạn chế trong phạm vi những âm thuận lợi cho loại giọng đó, chẳng hạn giọng nam cao từ âm đô1 (là âm thanh thuộc âm khu trầm, nhưng không quá thấp) lên đến Mi2; nam trung từ Xi bát độ nhỏ đến Rê2; nữ cao từ Fa1 đến Mi2 hoặc Fa 2; nữ trung-trầm từ Xi bát độ nhỏ đến Rê2…
Trong các bài luyện thanh ở Chương II và Chương III ta sẽ gặp một số vấn đề về kĩ thuật mà ở Chương I mới đề cập sơ qua ở dạng lí thuyết. Đó là vấn đề xử lí những nốt chuyển giọng của giọng nam và giọng nữ từ âm khu này sang âm khu khác; vấn đề xử lí âm thanh mở và âm thanh đóng; âm khu hỗn hợp… Muốn thế cần phải hiểu được kĩ hơn sự phân chia âm khu trong giọng nam và giọng nữ.

*ÂM KHU CÁC GIỌNG NAM:
Một người mới học hát, khi hát một bài tập hoặc một bài hát có tầm cữ từ thấp tới cao, đến những nốt ở chỗ chuyển giọng, người đó sẽ cảm thấy khó hát, âm sắc thay đổi, không giống như âm sắc ở dưới chỗ chuyển giọng, và sau đó nếu còn hát lên cao nữa thì chỉ lên được một, hai nốt rồi phải chuyển sang hát bằng giọng giả (falset). Nghe âm thanh, ta thấy ở âm khu dưới giọng hát âm vang tương đối khoẻ và thoải mái và nếu để tay lên ngực khi hát, sẽ thấy lồng ngực rung lên, đặc biệt là giọng nam trầm, cảm thấy như âm thanh đựoc phát ra từ lồng ngực. Cũng vì thế mà âm thanh ở âm khu này gọi là âm khu ngực, cộng minh ngực. Với giọng nam, cao hơn chỗ chuyển giọng là bắt đầu âm khu giọng giả. Âm thanh ở âm khu này yếu, mờ, nghèo nàn ở âm sắc và như không có sức sống, không sinh động nữa. Giọng giả vang không phải ở ngực nữa, mà là ở đầu, cho nên gọi là giọng óc.
Có sự khác biệt này là do mức độ hoạt động khác nhau của thanh đới ở giọng ngực và giọng giả: Ở âm khu ngực, thanh đới siết chặt lại với nhau (khép kín), toàn phần chiều dài của thanh đới rung lên . Ở âm khu giọng giả, thanh đới không khép kín, mà ở giữa chúng có những khe hở, không khí liên tục lọt qua các khe hở này, thanh đới không rung lên toàn phần, mà chỉ rung ở hai bên mép thôi.
Thanh đới khép kín và rung lên toàn phần tạo ra âm thanh vang khoẻ, phong phú về âm sắc và linh hoạt. Ngược lại thanh đới không khép kín và không rung lên toàn phần, tạo ra những âm thanh yếu, xỉn, phều phào.
Trước đây vào thế kỉ 17, 18, trong trường phái ca hát cổ điển các nam ca sĩ khi hát chủ yếu sử dụng âm khu ngực. Hát tới những nốt cao, quá chỗ chuyển giọng thì hát bằng giọng giả. Nhưng từ năm 1825, các ca sĩ Ý áp dụng phương pháp hát giọng hỗn hợp (mixte), còn gọi là giọng “pha” (pha trộn) hoặc giọng hỗn hợp đóng tiếng (voix mixte sombrée), sau đó được ca sĩ người Pháp Dubré hoàn chỉnh khiến ông ta có thể hát lên tới nốt đô 2 (tức là nốt “đố” cao nhất của giọng nam cao) mà không phải là giọng giả.
Hiện nay trong phong trào ca hát không chuyên nghiệp (trừ lĩnh vực nhạc nhẹ thường có âm vực không rộng) nhiều người có giọng tốt nhưng chưa được học hoặc học chưa đúng nên không hát được nốt cao, lúc biểu diễn luôn phải hạ thấp bài hát xuống (hạ tone), ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật (dịch giọng xuống thường làm cho màu sắc âm nhạc tối đi). Có người hát lên được nốt cao, nhưng hát bằng âm thanh “mở”, nốt cao nghe rất căng, bị chà xát nơi cổ, nếu cứ tiếp tục hát như vậy sau một thời gian thanh đới sẽ bị tổn thương, giọng hát dần dần có tạp âm, rè và xỉn.
Cho nên muốn làm cho giọng hát không chỉ giới hạn trong âm khu ngực, phải hát bằng phương pháp âm thanh hỗn hợp đóng tiếng, gọi tắt là âm thanh “đóng” ở âm khu cao, hỗn hợp giữa giọng ngực và giọng giả.

*ÂM THANH MỞ VÀ ÂM THANH ĐÓNG:
Âm thanh mở là âm thanh hát ở âm khu ngực, vị trí âm thanh không sâu, có cảm giác vị trí ở chân răng hàm dưới, hàm dưới buông lỏng, không đưa ra phía trước để âm thanh không bị bẹt và gằn cổ.
Khi hát với âm thanh đóng, phải mở rộng phần trong của mồm bằng cách buông lỏng hàm dưới, nhấc hàm ếch mềm lên một cách mềm mại. Nguyên âm a hát tròn tiếng, pha chất tròn và gọn của các nguyên âm ô và u. Càng hát lên cao càng phải mở rộng phần trong của mồm, vị trí âm thanh phải chụm, cảm giác như ở đỉnh sống mũi. Phải tăng cường nén hơi thở, thở sâu và nén chặt.

*ÂM KHU CÁC GIỌNG NỮ:
Như ta đã biết, giọng nữ chia làm 3 âm khu: âm khu thấp nhất là âm khu ngực, âm khu gồm những nốt ở khoảng trung của giọng là âm khu hỗn hợp, âm khu cao là âm khu giọng óc.
Âm khu hỗn hợp của giọng nữ mang tính chất tự nhiên, có sẵn. Giọng óc của các giọng nữ có thể coi như sự phát triển cao của giọng hỗn hợp, khó phân biệt chỗ chuyển giọng và chỉ thay đổi chủ yếu về âm lượng. Giọng óc của giọng nữ chỉ cho thấy sự khác biệt với giọng hỗn hợp ở những nốt cao nhất của giọng hát.
Trước khi chuyển sang các bài tập luyện thanh và ứng dụng vào bài hát, đó là vấn đề tư thế cơ thể trong ca hát.
Tư thế cơ thể khi hát phải đáp ứng được những yêu cầu như: thuận lợi cho việc phát âm, biểu hiện tình cảm, chuyển động trên sàn diễn hài hoà đẹp mắt.
Một người có giọng hát hay, có kĩ thuật, nhưng khi đứng hát lại có tư thế xấu, nét mặt, dáng người không phù hợp với nội dung âm nhạc và lời ca đang diễn xuất, thì sẽ hạn chế sự truyền cảm đến người nghe, vì người nghe không chỉ nhắm mắt nghe tiếng hát, mà còn thưởng thức những diễn xuất của ca sĩ thể hiện bằng nét mặt, đôi tay, dáng người…
Cho nên trước hết cần phải có tư thế cơ thể phù hợp với hình thức, yêu cầu biểu diễn: Tư thế đứng thẳng khi hát đồng ca, hợp xướng; tư thế đứng với các cử động diễn xuất khi hát đơn ca; những tư thế đứng, ngồi, đi lại… khi hát trong các ca cảnh, ca kịch. Tuy vậy trên thực tế, tư thế đứng hát vẫn là tư thế được sử dụng nhiều hơn cả.
Tư thế đứng hát phải thuận lợi cho việc lấy hơi, nén hơi và phát âm. Muốn thế khi đứng hát, sức nặng của cơ thể hầu như dồn vào một chân, còn chân kia (thường là chân trái) đưa lên phía trước một chút (độ nửa bàn chân). Không nên để trọng lượng cơ thể dồn đều xuống cả hai chân như khi đứng nghiêm, hoặc dang hai chân làm cho cơ thể căng cứng, không đẹp mắt. Trọng lượng cơ thể dường như vào phía sau chỗ thắt lưng, cơ thể không chúi về phía trước hoặc ngả về phía sau. Hai vai hơi kéo về phía sau để cho ngực được thoải mái. Mắt nhìn thẳng, tự hiên và thoải mái, không ngửa cổ hoặc cúi đầu xuống. Hai tay buông lỏng, bàn tay để tự nhiên, không nắm chặt hoặc duỗi thẳng cứng nhắc.
Bất cứ một sự căng cứng nào của cơ thể đều ảnh hưởng không tốt đến bộ máy phát âm. Việc biểu hiện tình cảm bằng nét mặt và tay phải hài hoà, phù hợp. Có người khi hát thì mắt trợn ngược, hoặc chớp mắt liên tục, nhìn ngang, nhìn ngửa. Một khuyết tật nhiều người mắc phải cần tránh, đó là nhíu lông mày, nhăn trán… do khi tập muốn tưởng tượng vị trí âm thanh cao, tập trung vào phoá trên sống mũi giữa hai lông mày, nên dần dần thành một cố tật không đẹp mắt.
Khi hát cần sử dụng đúng mức động tác tay. Không nên quá hạn chế cử động của tay, vì nếu hát từ đầu tới cuối bài hát mà tay chỉ buông thõng hoặc nắm vào nhau ở trước ngực thì cơ thể bị gò bó, kém sinh động. Những động tác tay đúng lúc, đúng chỗ sẽ có tác dụng truyền cảm tốt.
Nói tóm lại, tư thế ca hát tốt vốn là tư thế vững vàng, khoẻ mạnh, nhưng vẫn đảm bảo được vẻ mềm mại, tự nhiên, thoải mái, tạo nên một dáng dấp đẹp mắt. Mọi chuyển động, hoạt động của người hát trên sàn diễn đều phải hài hoà, gắn bó với nội dung tiết mục.
Tất cả những yêu cầu này phải chú ý từ khi tập các bài luyện thanh để tạo dần một thói quen tốt, thuận lợi cho việc ứng dụng vào bài hát sau này. Việc uốn nắn sửa chữa ngay từ lúc luyện thanh không được coi nhẹ, để tránh những cố tật về tư thế hát, sau này rất khó sửa./.
I. CÁC BÀI LUYỆN THANH


1.Hát liền tiếng (Legato):

*Bài tập 1:


Lên dần, xuống dần từng nửa cung đến âm cao nhất và thấp nhất phù hợp
Ở bài tập này chủ yếu dùng hai nguyên âm i và a. Nguyên âm i về bản chất là nguyên âm tập trung nhất, sắc nhọn và cao nhất về vị trí, cho nên được sử dụng để xác định vị trí âm thanh cao, và khi chuyển sang nguyên âm a, chú ý giữ nguyên vị trí âm thanh đã có, không vì chuyển nguyên âm mà vị trí tụt xuống. Phụ âm m là phụ âm thuận tiện để hướng nguyên âm i và nguyên âm a lên cộng minh đầu, như khi ta tập ngậm mồm hát “hưm”

*Bài tập 2:

Ở bài tập này yêu câu cũng giống như bài 1, dùng nguyên âm i và phụ âm m để tìm và xác định vị trí âm thanh cao, chuyển sang nguyên âm a để giữ nguyên vị trí âm thanh. Bật âm thanh (attacca) nhẹ, mềm.
Chú ý: Vị trí âm thanh có giữ được không là phải dựa trên cơ sở cách đẩy hơi đều đặn, nén hơi, không buông lỏng.

*Bài tập 3:

Bài tập số 3 này được xây dựng trên cơ sở nguyên âm a và phụ âm l. Dùng phụ âm l với mục đích tạo cử động cho lưỡi, tạo một bật âm (attacca) mềm mại, sau khi bật âm thanh phát ra cùng một lục phụ âm l và nguyên âm a, đầu lưỡi đặt chấm vào chân răng hàm dưới, không co lưỡi lại hoặc cong lưỡi lên.
Bài tập này so với hai bài tập trước có thêm một quãng 4 (Son – Đô) trong khi hai bài trên toàn là những quãng 3, nhằm mục đích giúp cho các bạn hướng âm thanh lên vị trí cao qua quãng nhảy tương đối rộng và giữ được vị trí khi xuống thấp (Đô – Son)

*Bài tập 4:

Bài tập số 4 được xây dựng trên cơ sở các nguyên âm a và ô. Nguyên âm a “mở” hơn, nguyên âm ô “đóng” hơn. Phải hát với hơi thở sâu, đẩy hơi đều đặn, âm nọ liền với âm kia, vị trí âm thanh phải nông, gọn (tất nhiên so với nguyên âm a, nguyên âm ô tròn hơn, đóng hơn, nhưng giữ vị trí âm thanh thống nhất khi thay đổi nguyên âm). Nguyên âm a không hát bè, toả mà hát tròn tiếng gần như âm ô.
Với giọng nữ, khi luyện thanh, cần đặc biệt chú ý những nốt chuyển giọng từ âm khu ngực sang âm khu hỗn hợp, cần giữ được sự thống nhất giữa hai âm khu, xoá dần ranh giới giữa âm khu ngực và âm khu hỗn hợp. Ở giọng nữ, việc luyện tập để có một âm vực với âm thanh đều đặn, không có sự thay đổi rõ rệt, thì tập trung chủ yếu vào âm khu giọng hỗn hợp. Không nên sử dụng giọng ngực nhiều quá, đặc biệt không nên hát những âm cao bằng giọng ngực.
Riêng đối với giọng nữ trầm có thể sử dụng giọng ngực nhiều hơn. Còn với giọng nữ cao trữ tình và nữ cao màu sắc thì nhiệm vụ quan trọng là tập phát triển âm khu cao của giọng. Khi xuống những nốt thấp nhất của âm vực mới hát bằng giọng ngực.
Cần chú ý rằng tới nốt chuyển giọng, lúc đầu âm lượng có thể nhỏ đi, nhưng cần phải đưa âm thanh ra ngoài, không để cho âm thanh hút sâu vào trong, nếu không âm sắc sẽ mờ và tối. Nén hơi thở liên tục và đều đặn.
Với giọng nữ cao hoặc giọng nữ trung mà sử dụng giọng ngực hniều quá thì cần làm ngắn bớt âm khu ngực đi và dài âm khu hỗn hợp ra. Bắt đầu tập bằng những nốt cao hơn nốt chuyển giọng rồi hạ thấp dần xuống, cố gắng giữ âm thanh hỗn hợp xuống qua chỗ chuyển giọng đã quen hát từ trước.

*Bài tập 5:

Bài tập số 5 được xây dựng trên cơ sở những âm đi từ cao xuống thấp nhưng liền bậ, trừ một quãng 5 (cuối tiết nhạc 1 chuyển sang đầu tiết nhạc 2 Fa – Đô) Nếu hát liền không lấy hơi giữa hai tiết nhạc. Vẫn là một bài tập hát liền tiếng (legato), nhưng còn có tác dụng giải quyết sự thống nhất giữa các âm khu, nhất là với giọng nữ, chuyển từ âm khu hỗn hợp sang âm khu ngực. Vì bật âm (attacca) từ nốt cao, với nguyên âm ghép i + a và phụ âm l tạo điều kiện tìm được vị trí âm thanh cao, và từ đó hát liền tiếng, đẩy hơi đều đặn trên cơ sở có sự khống chế (nén hơi). Khi đi xuống cố gắng giữ vị trí âm thanh đã có từ nốt cao nhất để không bị tụt xuống giọng ngực, đó là một trong những phương thức xoá nhoà ranh giới giữa hai âm khu.
Ở những tốc độ hanh dần, chú ý không bỏ nốt, không díu nốt, chuẩn xác về cao độ, nhưng luôn giữ cho âm thanh liền tiếng.

*Bài tập 6:

Bài tập số 6 là bài ngoài những yêu cầu về hát liền tiếng, giữ vị trí âm thanh, tạo sự thống nhất về chất lượng âm thanh ở các âm khu, khống chế (nén) hơi thở, đẩy hơi đều đặn… còn đặc biệt đặt ra yêu cầu về độ chuẩn xác âm thanh, nhất là quãng nửa cung (2 thứ) giữa Xi – Đô lúc đi lên và Fa – Mi lúc đi xuống.
Người tập chú ý đến cách lấy hơi và đẩy hơi của mình, chú ý đến khẩu hình bên ngoài và đặc biệt tập nhấc hàm ếch mềm cùng một lúc với đẩy hơi vào bằng cách tưởng tượng như ngáp khi buồn ngủ, hàm dưới buông lỏng.
Với nam giới, dễ dàng phát hiện hàm ếch có nhấc lên hay không bằng cách theo dõi trước gương, hoặc đặt tay nhẹ vào cổ họng xem chỗ yết hầu có tụt xuống thấp hay không.
Khi ta nuốt thức ăn, nuốt nước bọt, yết hầu đẩy lên cao. Khi ta ngáp ngủ, yết hầu tụt thấp xuống, còn lại ở trạng thái bình thường chỗ lộ hầu nằm yên, không dâng lên và cũng không tụt xuống./.

Phương pháp thực hành hát(tt)

2.Hát âm nảy, ngắt tiếng (Staccato):

Khi tập hát âm nảy, các bạn nên xem kĩ phần hướng dẫn cách hát âm nảy như đã giới thiệu ở Chương I như: Mở mồm cho đúng, không chúm môi ở trên, chìa môi dưới mà nhếch môi ở trên như khi cười, hơi thở đều đặn, nhẹ nhàng, ổn định… Cách hát này chủ yếu dành cho các giọng nữ, giọng nam ít sử dụng hơn, nó đặc biệt cần thiết với giọng nữ cao. Trong giờ luyện thanh chỉ nên tập hát âm nảy sau khi đã tập các bài mẫu luyện âm bình thường.
Khi giọng hát đã mềm mại và linh hoạt sau thời gian khởi động ban đầu mới có điều kiện hát tốt những âm nảy. Đối với bài tập âm nảy có thể hát lên cao dần, cao hơn những bài tập mẫu âm thông thường, nhưng không nên hát xuống thấp quá, sẽ ít tác dụng.

*Bài tập 1:


Ở bài tập này nốt xuất phát thấp nhất là nốt Đô1, cho nên bài tập này nên lên cao dần từng nửa cung đến độ cao phù hợp với giọng, có thể cao hơn các bài tập thông thường khác, vì âm nảy do nhẹ, nảy, gọn, cho nên thuận tiện hơn cho việc phát triển các nốt cao, vì không tốn sức, đẩy hơi có đà, có lực hơn.

*Bài tập 2:


Bài tập này cũng sử dụng nguyên âm a và phụ âm l, nhưng trong quá trình tập luyện các bài tập luyện thanh nói chung, ta có thể thay những nguyên âm khác nhau, những phụ âm khác nhau.
Mỗi nguyên âm có tính chất riêng biệt, khi tập các bạn nên chọn những nguyên âm phù hợp với giai điệu của bài tập và giải quyết được yêu cầu của âm thanh.
Nguyên âm a là nguyên âm thường được sử dụng nhiều. Nguyên âm này có tính chất sáng, mở. Nhưng khi hát ở âm khu cao, nếu chưa nắm vững cách hát âm thanh đóng thì sẽ dễ có âm thanh bè, toả hoặc gằn cổ. Đối với các giọng nữ, dùng nguyên âm a khi hát ở âm khu cao sẽ thuận lợi hơn, tuy vậy nguyên âm a cũng dễ bị sâu khi hát những nốt chuyển giọng. Bởi vậy khi hát nguyên âm a nên chú ý đặt vị trí sao cho gọn gàng, khi hát ở âm khu cao nên tròn tiếng lại, gần với nguyên âm ô.

*Bài tập 3:


Bài tập này so với 2 bài tập trước thì khó hơn, do tầm cữ rộng hơn, từ nốt Đô1 đến nốt Son2, do đó thời gian đầu không cần dịch lên cao hoặc xuống thấp. Với giọng nam cao, bài tập này với quãng nhảy Mi2 – Son2, là đã có sự chuyển giọng từ âm khu ngực lên âm khu đầu cho nên không cần tập nhiều. Bài tập này phù hợp với giọng nữ cao hơn, tuy cũng có chuyển giọng từ âm khu ngực sang âm khu hỗn hợp, hoặc từ âm khu hỗn hợp sang âm khu giọng óc.
Có thể dùng chỉ một nguyên âm a cho cả bài tập, nhưng càng lên cao âm a càng tròn lại gần như âm ô.
Nguyên âm ô có hình dáng phát âm tròn và gọn. Người hát nào có âm thanh bị bè, toè, bẹt, khi luyện thanh nên sử dụng nguyên âm này. Chú ý không nên chúm môi quá khi hát nguyên âm ô ở âm khu cao, mà cố gắng để nguyên âm ô có được tính sáng sủa của nguyên âm a.
Nguyên âm u có tính chất âm thanh tốt và đóng tiếng. Khi phát âm chưa đúng sẽ cảm thấy khó khăn, nhất là khi hát những nốt cao với nguyên âm này. Nhưng nguyên âm u lại thuận lợi khi tập hát âm thanh đóng. Tuy nhiên, chú ý đừng hát nguyên âm u sâu và tối, không chúm môi quá và cần tăng cường đẩy hơi thở đối với nguyên âm đó./.

3.Hát nhanh:

*Bài tập 1:


Bài tập này sử dụng nguyên âm a và phụ âm l. Tập lên cao dần từng nửa cung và xuống thấp dần từng nửa cung đến cao độ phù hợp.
Nguyên âm i dễ tạo vị trí nông và tập trung cho âm thanh. Các giọng nữ hát nguyên âm i tương đối thuận lợi. các giọng nam, đặc biệt là giọng nam cao, khi phát âm nguyên âm i cần chú ý giải phóng hàm, buông lỏng phần cuống lưỡi để cho âm thanh không bị nghẹt tiếng, gằn cổ.
Ở bài tập này, ta có thể dùng nguyên âm i và phụ âm m. Phụ âm m là phụ âm thường được dùng, vì nó cũng thuận lợi cho việc tìm vị trí âm thanh cao. Ghép nguyên âm i với nguyên âm a, chuyển từ nguyên âm i sang nguyên âm a như trong bài tập này sẽ thuận lợi cho việc xác định vị trí và giữ nguyên vị trí âm thanh của nguyên âm i chuyển sang nguyên âm a.

*Bài tập 2:


Những bài tập hát nhanh gồm những âm hình chuyển động, phát triển, hát tốc độ tương đối nhanh, mục đích làm cho giọng hát được linh hoạt, nhẹ nhàng, giúp phát triển hơi thở để có thể hát được những câu nhạc dài. Đặc biệt có lợi cho giọng nữ cao và nam cao.
Ở bài tập này có sự luân chuyển giữa nguyên âm a và nguyên âm i; cần hát cho thật chính xác về cao độ, thoạt đầu với tốc độ tương đối nhanh, dần dần đạt đến tốc độ nhanh, trong khi vẫn rõ từng nốt, không bỏ nốt, nhoè nốt hoặc sai về cao độ. Lấy hơi đúng chỗ, nhanh. Mới tập có thể có một lần lấy hơi thật nhanh ở giữa chừng, dần dần hát liền một hơi.

*Bài tập 3:


Ở bài tập này có sự luân phiên của những nguyên âm i, a và ô với phụ âm m. Nguyên âm ô tròn và gọn, thuận tiện cho việc luyện tập âm thanh tròn, chuẩn bị chuyển sang âm thanh đóng ở âm khu cao. Ở âm khu cao, có thể sử dụng thêm nguyên âm u để tập âm thanh đóng. Nhưng nguyên âm ô cần giữ được tính chất sáng sủa của nguyên âm a, còn nguyên âm u không được sâu và tối. Chú ý đừng chúm môi quá và cần tăng cường đẩy hơi ở nguyên âm này./.

Các bài liên quan




0 nhận xét:

Đăng nhận xét